Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Cách tính nợ quá hạn của ngân hàng


Habubank - Bắt đầu từ 1/7, ngành ngân hàng sẽ áp dụng quy định mới về chuyển nợ vay của khách hàng sang nợ quá hạn. Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.


- Xin ông cho biết rõ hơn về quy định mới?

- Theo quy chế cho vay mới của Ngân hàng Nhà nước, khi đến kì hạn trả nợ gốc và lãi, nếu khách vay không trả đúng hạn và không được điều chỉnh kì hạn nợ vay hoặc không được gia hạn nợ thì tổ chức tín dụng chuyển toàn bộ số nợ còn lại sang nợ quá hạn. Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định này để đưa việc tính nợ quá hạn tại các ngân hàng theo đúng thông lệ quốc tế, giúp phản ánh đúng thực trạng chất lượng tín dụng.

- Quy định mới có gì khác với qui định trước?

- Khác nhiều, chỉ cần người vay không thực hiện đúng các cam kết của mình trong hợp đồng tín dụng và không được tổ chức tín dụng chấp nhận gia hạn nợ thì tất cả khoản nợ còn lại đều bị chuyển sang nợ quá hạn. Ví dụ, một người vay 10 triệu đồng trả góp trong 10 tháng, mới góp được hai kì, đến kì trả thứ ba nhưng người đó vẫn chưa trả thì tổ chức tín dụng sẽ chuyển toàn bộ số nợ vay còn lại, tức tám kì nợ vay sang nợ quá hạn. Không chỉ chậm trả vốn gốc, nếu khách hàng chậm nộp lãi thì ngân hàng cũng chuyển toàn bộ số vốn còn nợ sang nợ quá hạn.

- Như vậy các khoản vay của người vay trả góp và hộ nông dân sẽ dễ bị chuyển thành nợ quá hạn.. Có cách xử lý nào khác cho linh hoạt hơn?

- Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn và cho phép các tổ chức tín dụng được xử lý như sau: trước hết phải hướng dẫn cho khách vay biết và thực hiện theo quy định mới về chuyển nợ quá hạn. Ngân hàng chủ động đôn đốc khách vay trả nợ đúng hạn; thỏa thuận với khách vay định kì thu lãi phù hợp với chu kì sản phẩm cây trồng và vật nuôi và kì thu nhập của mình; hoặc có thể thỏa thuận ngay trong hợp đồng tín dụng để khách có thể trả lãi vay chậm hơn một số ngày, nếu họ không trả và không có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì mới chuyển sang nợ quá hạn.

- Lãi suất nợ quá hạn được tính thế nào? Người vay sau đó đã thanh toán sòng phẳng thì ngân hàng có tiếp tục để nợ quá hạn?

- Theo quy định chung, lãi suất nợ quá hạn mà tổ chức tín dụng được tính tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Trường hợp khách vay chậm thanh toán một kì, có thể chuyển toàn bộ qua nợ quá hạn nhưng chỉ tính lãi quá hạn trên khoản nợ mà khách hàng đã không trả đúng hạn, còn phần nợ gốc chưa đến kì hạn trả thì vẫn tính theo lãi suất cho vay theo hợp đồng tín dụng.

Trường hợp đến thời điểm cuối cùng của thời hạn cho vay mà khách vay vẫn không trả hết số nợ gốc và nợ lãi, không được tổ chức tín dụng gia hạn thì sẽ tính lãi suất quá hạn trên toàn bộ dư nợ gốc đã chuyển.

Trường hợp khách vay trễ hạn, bị chuyển nợ quá hạn nhưng sau đó đã thanh toán sòng phẳng sẽ thực hiện chuyển toàn bộ dư nợ còn lại của các khoản vay đó từ nợ quá hạn vào nợ trong hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét